Thời tiết thuận lợi nên năng suất tiêu ổn định, từ 3 – 4 tấn ha, có những vườn đạt trên 10 tấn/ha. Tuy nhiên, thời điểm này giá tiêu đang ở mức thấp.
Theo nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mùa tiêu năm nay thời tiết thuận lợi nên cây tiêu sinh trưởng ổn định, ít sâu bệnh, cho trái nhiều hơn so với vụ tiêu năm ngoái. Hiện nông dân đang tiến hành phun xịt, dưỡng trái cho cây tiêu.
Tuy nhiên, giá tiêu liên tục lao dốc khiến người trồng tiêu lo lắng, đứng ngồi không yên, nhất là đối với các hộ trồng mới. Qua tìm hiểu, với giá khoảng 57.000 – 60.000 đồng/kg thì đối với các hộ trồng tiêu từ 5 năm trở lên sẽ vẫn có lãi nhưng ít, còn đối với các hộ mới trồng là lỗ vốn do chi phí ban đầu cho cây tiêu khá cao, không có tiền để đầu tư cho vụ mới.
Giá tiêu giảm chỉ còn bằng 1/3 những năm trước, người dân được mùa nhưng vẫn lo lắng.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, ở thôn Tân Hòa, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức than rằng: biết là cầm chắc lỗ trong tay nhưng ông cũng không đành lòng chặt bỏ vì đã tốn khá nhiều chi phí, công lao chăm sóc cho vườn tiêu. Hiện ông Phương đang cầm cự đầu tư “nhỏ giọt” cho vườn tiêu 2 ha đã trồng được 4 năm của mình. Ông Phương cho biết, cách đây 2 năm, giá tiêu ở mức từ 150.000-170.000 đồng/kg, gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng, hiện nay dù sản lượng tăng hơn nhưng với giá hiện tại, gia đình ông sẽ lỗ.
“Giá tiêu xuống thấp rất khó khăn, vì trừ công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì nói chung nông dân chỉ có lỗ, mà lại không thể bỏ bê vẫn phải cố gắng theo cây tiêu” – ông Phương nói.
Đối với những hộ mới trồng từ 1-2 năm thì giá tiêu hiện tại đang tạo nhiều áp lực cho họ, khi chi phí đầu tư, chăm sóc cao hơn rất nhiều so với các vườn lâu năm. Như trường hợp ông Nguyễn Hữu Huệ, ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, những năm trước đây, khi cao su rớt giá, thấy nhiều hộ trồng tiêu trong vùng canh tác hiệu quả, nên năm 2014, gia đình ông Huệ chuyển 1 ha cao su sang trồng tiêu. Do vườn tiêu mới cho thu hoạch nên năng suất, sản lượng còn thấp, giá tiêu lại giảm nên ông Huệ chỉ thu được hơn 40 triệu đồng, trong khi trước đó ông phải thế chấp giấy tờ nhà đầu tư hơn 100 triệu đồng cho vườn tiêu.
“Năm nay vì giá giảm nên người dân lo lắng vì đã đầu tư rồi, trong nhà không đủ tiền thì phải vay mượn ngân hàng. Giá tiêu giảm thấp khó khăn về mọi thứ, không chỉ vụ này còn tiền đầu tư vụ sau không thể bỏ” ông Huệ nói.
Theo nhận định của Hội hồ tiêu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tiêu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp từ nay cho đến hết năm 2019. Nguyên nhân là do diện tích hồ tiêu trên cả nước nói chung và ở Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng đã vượt quy hoạch, riêng trên địa bàn tỉnh có là 11.000 ha trồng tiêu, trong khi quy hoạch là 7.000 ha, dẫn đến cung vượt cầu. Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội hồ tiêu tỉnh cho biết, ở Bà Rịa – Vũng Tàu không khuyến khích bà con tăng diện tích vì thị trường đã bão hòa. Dự báo có thể 4-5 năm nữa giá mới có thể đẩy lên được.
Hiện nay nông dân đang chăm sóc vườn tiêu chuẩn bị cho thu hoạch.
Việc cung vượt cầu dẫn đến giá giảm là tất yếu. Tuy nhiên, giá hồ tiêu giảm còn có nguyên nhân do hầu hết bà con vẫn canh tác theo hướng quảng canh, chạy theo năng suất, sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến kỹ thuật khiến chất lượng hồ tiêu không bảo đảm các tiêu chuẩn khi xuất khẩu đi các thị trường lớn.
Ông Hồ Phúc Tiên, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh BRVT cho biết, tỉnh đang triển khai đề án hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp, người trồng tiêu sẽ được 50% lãi suất ngân hàng để xây dựng các vùng chuyên canh tiêu, trong đó sẽ ưu tiên cho các xã nông thôn mới.
“Vừa qua tỉnh BRVT cũng có những nghị quyết cho các xã nông thôn mới vay vốn làm dự án. Hiện nay đang thống kê lại để trình Sở tài chính làm các mô hình cho các nông hộ, nhà nước sẽ hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng để nông dân đầu tư máy móc, thiết bị, giống… ” – ông Tiên nói.
Tình trạng “được mùa mất giá”; “mất mùa được giá” vẫn đang là vòng luẩn quẩn không chỉ riêng đối với sản phẩm hồ tiêu mà còn với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác. Để sản phẩm làm ra vừa được mùa lại được giá luôn là bài toán khó mà ngành nông nghiệp phải liên tục tìm lời giải để giúp người nông dân sản xuất bền vững, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Lưu Sơn/VOV-TPHCM